Đây là 14 câu hỏi mà các doanh nhân khởi nghiệp và nhà lãnh đạo cao cấp thường xuyên sử dụng để hiểu được những mặt mạnh yếu từ những ứng viên.
1. Tưởng tượng một năm sau chúng ta đang ngồi đây để kỷ niệm ngày bạn gia nhập công ty, bạn nghĩ khi đó chúng ta đã làm được những gì?
"Đối với tôi, điều quan trọng nhất khi phỏng vấn là nhận được câu hỏi từ ứng viên. Tôi cần biết họ có từng nghiên cứu và có thực sự hiểu công ty của chúng tôi và công việc mà họ đang nộp đơn hay không. Các ứng viên cần có đủ tầm nhìn chiến lược, họ không thể chỉ nói năm qua tốt như thế nào mà còn phải đưa ra được bức tranh tổng thể, và rằng tại sao họ muốn được làm việc ở đây".
Theo Randy Garutti - CEO của Shake Shack.
2. Bạn hài lòng nhất với cuộc sống của mình khi nào?
"Ngoại trừ với các ứng viên cho các công việc cơ bản, tôi đều mặc định rằng người trước mặt mình đã có đủ khả năng và trí tuệ. Hơn hết, tôi tin rằng những người thông minh với kinh nghiệm có liên quan sẽ nhanh chóng thích nghi trong môi trường mới.
Vì vậy, tôi tập trung vào việc tìm hiểu tính cách và xét xem họ có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không. Câu hỏi này giúp tôi đánh giá xem họ phù hợp tới đâu và biết rằng họ cần có môi trường thế nào để phát huy tối đa khả năng của mình".
Theo Dick Cross - CEO và là nhà sáng lập Cross Partnership
3. Nếu bạn được tuyển dụng, bạn yêu tất cả mọi thứ về công việc này và được trả mức lương bạn mong muốn thì những đề nghị nào từ một công ty khác sẽ khiến bạn cân nhắc lại?
"Tôi muốn tìm hiểu xem ứng viên muốn chọn lựa mức thu nhập cao hay là cơ hội làm việc ở một nơi mà họ yêu thích. Họ có thể bị mua chăng? Bạn sẽ ngạc nhiên bởi một số câu trả lời".
Theo Ilya Pozin - Người sáng lập Ciplex
4. Ai là hình mẫu cho bạn noi theo và tại sao?
"Câu hỏi này có thể làm tiết lộ mối quan tâm của các ứng cử viên về con đường phát triển sự nghiệp lẫn cá nhân của họ, đây là một yếu tố tôi cho rằng có liên quan chặt chẽ với sự thành công và tham vọng. Ngoài ra, câu hỏi này có thể cho thấy những phẩm chất và hành vi mà ứng viên muốn có được."
Theo Clara Shih - CEO và đồng sáng lập của Hearsay Social
5. Bạn không thích làm chuyện gì?
"Chúng ta có xu hướng cho rằng ai đã làm việc gì thì sẽ thích tất cả mọi thứ của việc đó, nhưng điều này ít khi xảy ra. Việc tìm được một câu trả lời trung thực cho câu hỏi này đòi hỏi cần có sự kiên trì. Tôi thường phải hỏi đi hỏi lại một vài lần theo những cách khác nhau, nhưng kết quả thu được luôn luôn là đáng công sức bỏ ra.
Ví dụ, tôi từng phỏng vấn một ứng viên cho công việc bán hàng và hóa ra là cô này không thích gặp gỡ những người mới. Có lần tôi phỏng vấn một ứng viên cho vị trí chuyên viên tài chính - người đã nói với tôi rằng anh ta ghét làm việc với các chi tiết và kiểm tra lại những gì đã làm. Thế là tôi có thể nói: 'Mời người tiếp theo vào!'”.
Theo Art Papas - CEO và người sáng lập của Bullhorn
6. Kể lại một dự án hoặc thành tựu mà bạn cho là quan trọng nhất trong sự nghiệp của bạn.
"Tôi cho rằng câu hỏi này mở ra cánh cửa để tiếp tục đặt ra những câu hỏi sâu hơn, và tạo điều kiện cho phép ứng viên tạo ra sự khác biệt.
Bạn có thể hỏi thêm như sau: Bạn đang giữ vị trí nào khi bạn đạt được thành tựu này? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của bạn tại công ty cũ? Có ai khác đã tham gia vào việc này, và thành tựu đó có ảnh hưởng thế nào đến nhóm của bạn?
Nói chuyện về những thành tựu đã qua là một cách dễ dàng để lấy thêm thông tin và có cái nhìn sâu sắc về ứng viên, ví dụ thói quen làm việc của họ và cách họ ứng xử với những người khác như thế nào."
Theo Deborah Sweeney - CEO và là chủ sở hữu của MyCorporation
7. Nói cho tôi biết làm thế nào ...
"Tôi không có một câu hỏi yêu thích bởi vì tôi tin rằng một cuộc phỏng vấn thành công có ý nghĩa của riêng nó, và phải là một cuộc trò chuyện chứ không phải là một quy trình cứng nhắc.
Chúng tôi muốn tìm kiếm những người có động lực, có kỷ luật, có tinh thần và kỹ năng làm việc tốt đi kèm với lòng đam mê. Đó là lý do tôi hay đưa ra các câu hỏi gián tiếp về quá trình sáng tạo, về quá trình tạo ra những món ăn ngon và dịch vụ tuyệt vời. Sau đó, tôi tin vào bản năng của mình. Nhìn vào mắt của các ứng cử viên là bài kiểm tra cuối cùng tôi thực hiện vì đôi mắt không bao giờ nói dối."
Theo Eric Ripert - Đầu bếp và đồng sở hữu của Le Bernardin
8. "Điểm mạnh của bạn là gì?" hoặc "Loài vật nào là biểu tượng cho bạn?"
"Tôi từng hỏi cô trợ lý hiện tại của mình rằng con vật yêu thích của cô ấy là gì. Cô ấy nói với tôi rằng đó là một con vịt bởi vì khi bơi, con vịt trông có vẻ điềm tĩnh, yên ả trên mặt nước nhưng kì thực lại không ngừng đạp nước hối hả bên dưới.
Tôi nghĩ rằng đó là một câu trả lời tuyệt vời, và là cách mô tả hoàn hảo cho vai trò của một trợ lý giám đốc. Cô ấy đã làm việc với chúng tôi trong hơn một năm nay và hoàn thành tuyệt vời công việc của mình".
Theo Ryan Holmes - CEO của HootSuite
9. Tại sao có bạn lại từng làm (x) công việc trong (y) năm?
"Câu hỏi này sẽ giúp tôi có được một bức tranh đầy đủ về lịch sử công tác của ứng viên. Đâu là động lực của họ? Tại sao họ đã nhảy hết từ công việc đến công việc khác? Và những nhân tố quan trọng khi họ ra đi là gì?
Câu trả lời sẽ cho tôi thấy lòng trung thành và quá trình suy luận của họ. Liệu có phải họ cho rằng sếp muốn gạt họ ra? Có phải họ là người dễ chán nản? Không có gì là sai khi bạn nhảy việc nhưng lý do tại sao mới là điều quan trọng".
Theo Shama Kabani - CEO và là nhà sáng lập The Marketing Zen Group
10. Chúng tôi đang nỗ lực làm cho mọi thứ tốt hơn, nhanh hơn, thông minh hơn và cả rẻ hơn, bằng cách tận dụng công nghệ mới hoặc cải tiến quy trình. Nói cách khác, chúng tôi cố gắng làm nhiều hơn nữa với cái giá thấp hơn. Hãy kể về một dự án gần đây mà bạn đã giải quyết tốt hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, và ít tốn kém hơn.
"Một ứng cử viên tốt sẽ có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Một ứng viên tuyệt vời sẽ cực kỳ vui mừng khi chia sẻ câu trả lời của họ. Trong 13 năm qua chúng tôi chỉ tăng giá một lần cho các khách hàng của mình, đó không phải vì chi phí của chúng tôi giảm mà thực ra là hoàn toàn ngược lại: chúng tôi có thể duy trì mức giá đó bởi vì chúng tôi đã cải thiện được những gì mình làm. Công ty chúng tôi luôn tìm kiếm đến cùng những vấn đề cần giải quyết. Mỗi nhân viên mới cũng cần phải làm được điều đó".
Theo Edward Wimmer - Đồng sở hữu và là đồng sáng lập của RoadID
11. Hãy chỉ ra một thành tựu trước đây có thể là bằng chứng cho thấy bạn sẽ làm tốt vị trí này.
"Thành công trong quá khứ thường là chỉ số tốt nhất để dự báo tương lai. Nếu ứng viên không thể chỉ ra một thành tựu trước đây, thì rõ ràng họ không có khả năng làm được việc tại công ty của chúng tôi - hay của bạn".
Dave Lavinsky - Chủ tịch và là đồng sáng lập của Growthink
12. Câu chuyện của bạn là gì?
"Câu hỏi ngớ ngẩn này ngay lập tức đặt cuộc phỏng vấn về trạng thái phòng thủ vì không có câu trả lời đúng hoặc câu trả lời sai. Nhưng sẽ phải có một câu trả lời. Đây là một câu hỏi yêu cầu trả lời sáng tạo. Nó sẽ cho tôi biết rất nhiều về tính cách, trí tưởng tượng và sáng tạo của ứng viên. Nó thể hiện được khả năng kể chuyện, điều rất quan trọng đối với bất kỳ một thương hiệu nào.
Cách họ nhìn tôi khi câu hỏi được đưa ra cũng cho tôi biết đó có phải là người dễ mến hay không. Nếu họ hành động theo kiểu phòng thủ, có cái nhìn khó chịu và dừng lại lâu hơn một vài giây, nó nói với tôi rằng họ quá đơn giản trong suy nghĩ và không phải là nhà tư tưởng lớn. Trong kinh doanh, chúng tôi cần những người suy nghĩ thoáng và rộng".
Richard Funess - Giám đốc của Finn Partner
13. Bạn có câu hỏi nào cho tôi không?
"Tôi thích đưa ra câu hỏi này thật sớm trong buổi phỏng vấn – nó cho tôi thấy liệu các ứng cử viên có thể suy nghĩ một cách nhanh chóng hay không, và cũng cho thấy mức độ chuẩn bị và tư duy chiến lược. Tôi nhận thấy rằng bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về một người dựa trên những câu hỏi của họ, thay vì nhìn vào những câu trả lời họ đưa ra".
Theo Scott Dorsey - CEO và là đồng sáng lập của ExactTarget
14. Hãy kể lại với chúng tôi về một thời điểm mà mọi thứ không được như bạn muốn, ví dụ như khi bạn không được thăng chức, hoặc một dự án không thành công như đã hy vọng.
"Đó là một câu hỏi đơn giản mà nói lên rất nhiều. Ứng viên có thể nói rằng họ hiểu được tầm quan trọng của làm việc theo nhóm nhưng điều đó không có nghĩa là họ thực sự biết thế nào là làm việc nhóm.
Câu trả lời có xu hướng rơi vào ba loại cơ bản: một là đổ lỗi, hai là tự chỉ trích, và ba là cơ hội cho sự phát triển. Công ty chúng tôi đòi hỏi nhân viên phải sẵn sàng nhận nhiều vai trò khác nhau và có thể làm nhiều hơn những gì được yêu cầu, vì vậy tôi muốn mỗi thành viên đều có thái độ và cách tiếp cận đúng đắn.
Nếu ứng cử viên đổ lỗi, nói tiêu cực về người chủ cũ hoặc tỏ vẻ tự phụ, người ấy sẽ không làm tốt ở đây. Nhưng nếu họ chịu trách nhiệm và đang mong muốn áp dụng những gì họ đã học được để làm việc, họ sẽ phát triển mạnh trong môi trường của chúng tôi".
Tony Knopp - CEO và là đồng sáng lập của Spotlight Ticket Management.