Con người bạn ở mỗi lứa tuổi là kết quả của nền tảng gia đình và sự rèn luyện của bản thân ở trường đời. Nếu không được giáo dục đúng cách, tự tu tâm dưỡng tính thì càng sống lâu càng hại đời, hại người dù có bằng cấp cao đến thế nào đi chăng nữa.Đời người tưởng dài, nhưng thực ra là từ nhiều lần mười năm tạo thành. Cứ sau 10 năm, chúng ta lại có những hoàn cảnh và cảm xúc khác nhau. Và cũng cứ sau 10 năm mỗi người sẽ lại có lý tưởng và con đường theo đuổi khác nhau. Trong 10 năm ngắn ngủi này, có những điều bạn nên loại bỏ, cũng có những thứ bạn không được phép đánh mất. Bạn phải hiểu điều gì cần trân trọng và điều gì nên cho đi.
10 tuổi: Chăm chỉ học tập, sớm ngày hiểu chuyện
Lên 10 tuổi, bạn phải chấp nhận xuất thân của mình và không phàn nàn về hoàn cảnh sống của gia đình. Ở tuổi này nên cố gắng học tập chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời, làm những điều trong khả năng để đỡ đần cho cha mẹ thay vì quậy phá làm phiền lòng đấng sinh thành, cũng đừng bao giờ so sánh bản thân với những đứa trẻ khác.
Có biết như thế, các bậc cha mẹ mới không buồn phiền khi thấy các con mình mải chơi đùa và không chịu chuyên tâm học hành trước. Và cũng nhờ đó, các bậc cha mẹ mới đem hết kiên nhẫn, kỹ năng và nghệ thuật để chăm nom săn sóc cho các con mình ngay từ khi chúng còn nhỏ để giúp chúng thành công trong tương lai.
20 tuổi: Chấp nhận khó khăn, nỗ lực làm việc
Ở tuổi 20, bạn đã bước chân vào thế giới trưởng thành. Đừng coi thường lời khuyên của cha mẹ, cũng đừng suy nghĩ nhiều về hoàn cảnh gia đình của bạn. Thứ bạn cần làm ở tuổi này là đặt mục tiêu ở hiện tại, lên kế hoạch cho tương lai, tận dụng tuổi trẻ, làm việc chăm chỉ cho bản thân và giành lấy sự tự hào cho cha mẹ.
Chí lập thân, lập nghiệp của người trẻ trong giai đoạn này giữ vai trò quyết định trong việc thành công sau này. Nếu không có chí tự lập thì dù cha mẹ có săn sóc và giáo dục cũng vẫn không tự lập được. Họ là những người ăn bám gia đình và xã hội.
Việc quan trọng nhất là, nếu đã tới 30 tuổi mà bạn không tự lập được vững vàng, cuộc sống của bản thân sẽ gặp nhiều truân chuyên chứ đừng nói gì đến việc có thể giúp mình và giúp đời một cách có thiết thực.
30 tuổi: Thành gia lập thất, trân trọng bạn đời
Khổng Tử từng nói: "Tam thập nhi lập" ý chỉ người ở tuổi 30 (tam thập) đã hiểu được lễ nghĩa, lời nói và việc làm đều thỏa đáng. 30 là độ tuổi thành gia lập thất, một số người trở thành cha mẹ và có kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình. Đàn ông phải yêu và trân trọng vợ, còn phụ nữ hãy nên trung thành và thấu hiểu cho người chồng. Bạn phải khắc cốt ghi tâm rằng: "Một ngày vợ chồng trăm năm ân nghĩa".
40 tuổi: Cứ vô tư tự khắc sẽ yên lòng
Đến tuổi trung niên, con người đã trải qua nhiều chuyện, nhìn thấu lòng người, phân biệt được những ai là người chân chính, ngụy tài, biết được cái gì nên hay không nên. Thế nên đừng lo lắng về nhận xét của người khác, miệng đời của thế gian, thích nói thì cứ để họ nói vì lời thị phi chỉ là chuyện trong thiên hạ.
Chỉ cần đứng thẳng và không làm điều gì để lương tâm phải xấu hổ thì chúng ta đâu cần phải sợ tin đồn. Đối diện với những lời nói sai sự thật, những câu đồn đoán vô căn cứ, chúng ta tốt nhất nên chọn cách phớt lờ chúng, mỉm cười và sống thoải mái.
50 tuổi: Để mọi việc theo dòng chảy của nó
50 tuổi là đã trải qua một nửa cuộc đời rồi, vô số thứ trên đời đã được trải nghiệm, vô số khó khăn đã vượt qua, vô số mối quan hệ đã được tạo dựng , nhìn thấy hết những thăm trầm và sự đổi thay của thế giới. Ở cái tuổi này, không cần phải lo lắng về việc bị lạc, cũng không còn phải lo lắng đấu tranh vì sự nghiệp và lợi ích. Sống phần còn lại của cuộc đời bằng việc giải phóng những lợi ích và mất mát, bỏ qua mối hận thù của bạn, học cách sống để hạnh phúc, và sống để thoải mái.
60 tuổi: Trong tâm yên bình, bao dung rộng lượng
“Lục thập nhi nhĩ thuận", chỉ việc ở tuổi 60 đối với những ý kiến bất lợi cho bản thân cũng có thể đối đãi xác đáng. Ở tầm này này là người cao tuổi rồi nên đừng dễ nổi giận làm tổn thương cơ thể và dễ mắc bệnh.
Người có tuổi càng không cần can thiệp nhiều vào cuộc sống của con cháu, ảnh hưởng đến sự hòa thuận trong gia đình. Bất kể gặp phải điều gì, bạn cũng nên giữ một tâm trí bình yên và kiểm soát sự nóng nảy của mình. Tuổi 60 là lúc con người thư giãn, có cuộc sống của mình, có vòng tròn giao tiếp riêng, dành thời gian tập thể dục giữ gìn sức khỏe, hào phóng với bản thân và bao dung với tâm trí của bản thân.
70 tuổi: Đối xử tốt với người khác và yêu bản thân mình hơn
Khi đến cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, không còn nhiều bạn bè và người thân cùng tuổi xung quanh bạn. Còn có thể gặp và chào hỏi nhau đã là rất tốt rồi.
Nhiều người khi còn trẻ đã mất rất nhiều bạn bè vì lợi ích của đồng tiền. Tuổi 70 không còn phải lo lắng quá nhiều nữa, hãy dành thời gian đối xử với mọi người và bạn bè xung quanh bạn một cách cẩn thận và chăm sóc cơ thể của chính bạn. Ở tuổi 70, hạnh phúc đi cùng với sự hiện diện của con cháu và bạn bè, đấy mới là thắng lợi lớn nhất của cuộc đời.
Tuy vậy, muốn đạt được mục tiêu lý tưởng ở mỗi lứa tuổi thì mỗi người phải được giáo dục và tự bản thân có nhận thức rõ ràng về giá trị bản thân từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, cứ tiếp tục như vậy, đến khi 70 tuổi cuộc sống mới có giá trị, viên mãn.
Con người bạn ở mỗi lứa tuổi là kết quả của nền tảng gia đình và sự rèn luyện của bản thân ở trường đời. Nếu không được giáo dục đúng cách, tự tu tâm dưỡng tính thì càng sống lâu càng hại đời, hại người dù có bằng cấp cao đến thế nào đi chăng nữa.
Hy vọng rằng, bạn sẽ đủ khôn khéo để không bị mắc kẹt trong chính cuộc đời mình, có khả năng để đạt được ước nguyện, cũng có can đảm để sẵn sàng từ bỏ, bước đi bình tĩnh, cảm thấy thoải mái trong tâm hồn. Chúc bạn trong những ngày tháng sắp tới, càng có tuổi cuộc sống càng trở nên tốt hơn với tình yêu và tiếng cười bên cạnh.