Cánh cửa sự nghiệp tuy hẹp nhưng vẫn mở ra cho những người can đảm. Thay vì lo sợ thất nghiệp, giảm thu nhập, nhiều bạn trẻ xem "sự cố" Covid-19 như một "cơ hội" để thay đổi công việc cũng như "nâng cấp" bản thân, chuẩn bị tốt hơn cho lần xin việc kế tiếp.
Sau Tết là giai đoạn mà người trẻ thường sôi sục nhảy việc, tìm kiếm những cơ hội và trải nghiệm mới. Thế nhưng, trong năm nay, kế hoạch nghỉ việc ngay sau Tết lại khiến không ít người "há miệng mắc quai" vì nhiều cánh cửa bị đóng lại do tình hình dịch bệnh.
Thất nghiệp "tự nguyện" hay "bắt buộc" mùa dịch?
Xin nghỉ việc từ trước Tết, dự định "hồi sức" một tháng rồi tìm việc mới nhưng Hoàng Hưng (27 tuổi, TP.HCM) không ngờ mình lại "được" hẳn một kỳ nghỉ dài.
"Tôi bàn giao công việc vào cuối tháng 3 nên người thân, bạn bè ai cũng nghĩ là bị công ty cắt giảm nhân sự. Chưa kể do tình hình khó khăn nên tôi đã nộp hồ sơ 5-6 công ty mới nhưng chưa nơi nào liên hệ. Với khó khăn chung như hiện tại, chắc phải qua dịch một thời gian mới có thể tính tiếp", Hưng than thở.
Thông thường, sau Tết là "thời điểm vàng" để các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm mới, cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp có hoạt động tuyển dụng khá sôi nổi. Tuy nhiên, "cơn bão" đại dịch đột ngột càn quét đã khiến thị trường tuyển dụng trở nên ảm đạm, nhiều cánh cửa tưởng như rộng mở bất ngờ đóng sầm trước mắt người lao động.
Ngay cả một số công ty đã có kế hoạch tuyển nhân sự từ trước cũng tạm hoãn. Chị Thu Thảo – quản lý nhân sự một doanh nghiệp bất động sản cho biết: "Vì nhu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án ở tỉnh nên chúng tôi vẫn tuyển dụng, chủ yếu cho vị trí giám sát công trình. Riêng nhiều vị trí liên quan đến kinh doanh, tiếp thị, dù có kế hoạch tuyển dụng từ đầu năm nhưng đều đã gác lại để tối ưu hoá chi phí".
Có thể nói, chưa bao giờ người lao động lại hoang mang với các cơ hội việc làm như hiện tại. Cú đánh úp mang tên Covid-19 đã gây "sát thương" không nhẹ cho nhiều DN, dẫn đến cánh cửa tuyển dụng cũng trở nên hẹp hơn cho người lao động có nhu cầu tìm việc, thậm chí đóng hẳn với một số nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề.
Mới đây, kết quả khảo sát nhanh từ cuối tháng 3/2020 đến đầu tháng 4/2020 về Đối sách nhân sự trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 càng cho thấy rõ hơn những khó khăn mà các DN phải đối mặt và nguy cơ cho người lao động. Theo đó, quá nửa DN (52%) dự báo sẽ giảm doanh thu và một số không nhỏ 27% cho biết vẫn chưa xác định rõ về các thay đổi sắp tới. Nếu tình hình kéo dài, 75% DN sẽ cắt giảm chi phí nhân sự.
Do đó, nếu không phải "lỡ" nghỉ việc từ trước như Hoàng Hưng thì ít ai dám can đảm bỏ việc thời điểm này. "Tôi đã tạm gác kế hoạch nghỉ việc đến tháng 6. Bởi tình hình dịch bệnh phức tạp, nhân sự công ty khuyên nên suy nghĩ lại, nghỉ việc giờ này e là khó tìm được công việc mới", anh Hoàng Thiện – nhân viên văn phòng quảng cáo tại Quận 1, TP.HCM cho biết.
Can đảm mở cánh cửa hẹp đi tiếp giữa "bão Cô-vy"
Tuy nhiên, nếu có góc nhìn lạc quan, cánh cửa sự nghiệp tuy hẹp nhưng vẫn mở ra cho những người can đảm. Ghi nhận về sự chuyển dịch nhân sự mùa dịch của Talentnet cho thấy, khi nhiều lao động sợ rơi vào cảnh thất nghiệp thì không ít người trẻ vẫn mạnh dạn nghỉ việc, tìm kiếm cơ hội mới.
Bà Nga Vương – Trưởng bộ phận Tuyển dụng cấp cao Talentnet lý giải: "Lao động trẻ là những người xông xáo, không ngại dấn thân, có khả năng ứng phó linh hoạt, tư duy sáng tạo. Quan trọng hơn, khi đã đặt ra lộ trình sự nghiệp rõ ràng, rất nhiều bạn trẻ mạnh dạn, kiên định với các quyết định của mình, cho dù phải đối mặt với tình cảnh chuyển việc mùa dịch đi chăng nữa. Bên cạnh đó, mặc dù tình hình tuyển dụng đình trệ ở một số nhóm ngành; tại các doanh nghiệp trong các ngành như truyền thông, bán lẻ, thương mại điện tử, công nghệ và thông tin, dược và thiết bị y tế, dịch vụ,... việc tìm kiếm nhân sự vẫn đang diễn ra khá sôi nổi".
Thực tế, thay vì lo sợ thất nghiệp, giảm thu nhập, nhiều bạn trẻ xem "sự cố" Covid-19 như một "cơ hội" để thay đổi công việc cũng như "nâng cấp" bản thân, chuẩn bị tốt hơn cho lần xin việc kế tiếp.
"Tôi nghĩ mình đã may mắn khi đặt kế hoạch kết thúc công việc vào đúng mùa dịch. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, tôi có nhiều thời gian quây quần bên gia đình - điều vốn rất xa xỉ trước đây, chăm sóc bản thân, đọc thêm sách và tự đánh giá lại bản thân mình", Mỹ Duyên - nhân viên tiếp thị tại TPHCM cho biết.
Đặc biệt, từ một góc nhìn khác, mùa dịch cũng là đoạn "gap" (nghỉ) chung của cả xã hội. Tạm nghỉ ngơi vào thời điểm tất cả mọi người đang sống chậm lại, người trẻ có thể hồi sức để sẵn sàng cho một chặng đường mới sau khi dịch kết thúc mà chẳng lo bị tụt hậu với bất kỳ ai.
Cũng theo bà Nga Vương, những chuyển biến trong thị trường tuyển dụng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngược lại sẽ là thuận lợi lớn cho nhân sự "nhảy việc". Khi các DN phục hồi và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường sẽ chứng kiến nhiều cuộc tuyển dụng quy mô. Lúc này, nhu cầu tuyển dụng những vị trí cấp cao cũng sẽ rất lớn vì các DN cần được vực dậy bởi những chiến lược mang tính thúc đẩy từ những nhà lãnh đạo có tầm nhìn. Đây là cơ hội để những người trẻ thử sức cũng như chinh phục những đỉnh cao mới trong công việc.
"Săn" các chứng chỉ thông qua các khóa học online ngắn hạn của các tổ chức danh tiếng như Havard Business School, MIT, Coursera… cũng là lựa chọn thức thời của nhiều bạn trẻ, bà Nga chia sẻ.
Do đó, thay vì lo lắng hay ngồi yên chờ thời, nhiều người trẻ thức thời đã nhanh chóng nhận ra đây là cơ hội "vàng" để hoàn thiện bản thân, củng cố kiến thức và nâng cao kỹ năng, chuẩn bị cho những cú bứt phá mới trong tương lai. Và khi DN bắt đầu tuyển dụng lại, họ sẽ không chỉ có lượng ứng viên dồi dào mà còn chất lượng. Mặt khác, với nhiều lao động, việc trở lại sau khủng hoảng còn đánh dấu sự khởi đầu mới, háo hức và nhiều quyết tâm hơn. Điều này chắc chắn sẽ mang đến nguồn năng lượng tích cực cho DN.