Lời khuyên tìm việc, cùng các sai lầm phổ biến cần tránh trong mùa dịch từ Ramit Sethi - doanh nhân, huấn luyện viên tài chính cá nhân và triệu phú người Mỹ.
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm đảo lộn thị trường lao động toàn cầu. Từ việc sở hữu một trong những thị trường lao động khởi sắc nhất sau nhiều năm, nước Mỹ giờ đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. Và, câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại hàng loạt quốc gia khác trên thế giới.
Theo doanh nhân, triệu phú Ramit Sethi, chính sự thay đổi nói trên đã khiến thế chủ động trong hoạt động tuyển dụng chuyển giao từ người lao động sang người sử dụng lao động, khi hàng loạt cá nhân cùng tham gia ứng tuyển cho một vị trí công việc.
Dù vậy, cơ hội để hồ sơ ứng tuyển của bạn trở nên nổi bật giữa đám đông không phải là không có, đặc biệt khi bạn tránh được một sai lầm phổ biến trong phỏng vấn, Sethi cho biết. Sai lầm đó là giữ tâm thế của một "người đi tìm việc", thay vì một "người mang lại giá trị", khi tiến hành phỏng vấn.
"Điều các ứng viên thường làm là đi phỏng vấn với tâm thế rằng 'mình sẽ cố gắng để giành được công việc này'. Trong khi đó, những 'người mang lại giá trị' biết rằng, để được công ty coi trọng, thì bản thân họ trước tiên phải coi trọng công ty đã", Sethi nói.
Tránh gửi hồ sơ xin việc (CV) như thác lũ
Tuy nhiên, để có thể giữ cho mình tâm thế như vậy trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay không phải điều dễ dàng. Đối với người đang 'khát' việc, họ hoàn toàn có thể gửi đi hàng trăm bản CV để tăng cơ hội được phỏng vấn. Tuy nhiên, theo Sethi, hành động đó chẳng khác nào đang "gửi CV vào một hố đen" vậy.
Vị triệu phú tự thân cho biết, giám đốc nhân sự là những người đã được đào tạo bài bản để có thể nhanh chóng 'đánh hơi' và loại bỏ các bộ hồ sơ chung chung, được gửi đi hàng loạt và thiếu sự cụ thể. Do đó, thay vì gửi đi hàng trăm bản CV với nội dung chung chung, rập khuôn, hãy tập trung vào 1-10 vị trí công việc mà bạn cho là thích hợp với bản thân nhất, rồi tiến hành căn chỉnh, thiết kế CV sao cho cụ thể, phù hợp với từng vị trí.
Để có thể làm được điều này, có 3 từ khoá mà bạn cần quan tâm; đó là nghiên cứu, xác định và kết nối.
Trước tiên, bạn cần phải hình dung rõ ràng về công việc hoặc công ty mơ ước của bản thân.
Đừng chỉ tự nhủ bản thân muốn "làm việc trong ngành công nghệ", mà hãy cụ thể hơn trong các tiêu chí, đơn cử như quy mô hay văn hóa của công ty. Sau đó, hãy tiến hành nghiên cứu để tìm ra những vị trí công việc và công ty phù hợp nhất .
Tiếp theo, hãy xác định những người đang làm việc tại công ty đó, hoặc những người đang đảm nhiệm vị trí tương tự, và bắt chuyện với họ qua mạng.
Điều này không có nghĩa là bạn tìm đến họ để 'xin' việc, mà thay vào đó, hãy biến cuộc trò chuyện này thành một "buổi phỏng vấn khai thác thông tin" để có thể hiểu hơn về công việc mà mình đang hướng tới.
"Ai cũng muốn được kể về bản thân họ cả", Sethi nói.
Sau đó, hãy thiết kế và căn chỉnh CV cùng thư xin việc một cách cụ thể, phù hợp với vị trí ứng tuyển, tập trung nhiều hơn vào kết quả đạt được thay vì quá trình hoạt động. Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về quá trình để đạt được các kết quả đó trong buổi phỏng vấn.
Cuối cùng, hãy gõ tên CEO của công ty, đi kèm với từ khoá "phỏng vấn" để có thể hình dung về những câu hỏi mà bạn có thể sẽ gặp phải khi đi xin việc.
"Nếu nghiên cứu đúng cách, xác suất trúng tuyển cho công việc của bạn đã là 80% kể từ trước khi bạn được mời tới phỏng vấn", Sethi nói.
Sẵn sàng đàm phán khi cần thiết
Một khi đã nhận được lời mời phỏng vấn, bạn nên tập trung vào việc thể hiện "năng lực" một cách đúng đắn, Sethi chia sẻ. Nói năng dài dòng, qua loa hay "lỡ lời" khi trao đổi về mức lương đều là những biểu hiện cho thấy bạn yếu về năng lực. Trong khi đó, người có "năng lực" sẽ am tường về vị trí mà họ đang hướng tới và đưa ra những câu trả lời ngắn gọn, súc tích.
Cuối cùng, hãy sử dụng một mảnh giấy và trình bày vắn tắt tầm nhìn của bạn trong 90 ngày đầu tiên đảm nhiệm công việc. "Hành động này chưa bao giờ thất bại trong việc tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng cả", Sethi cho biết.
Bối cảnh thị trường lao động hiện tại đã khiến việc thỏa thuận mức lương trở nên khó khăn hơn, và cũng có thể làm cho giá trị thị trường của vị trí mà bạn đang hướng tới sụt giảm. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, sẽ luôn có cơ hội để bạn đạt được thoả thuận khiến bản thân hài lòng, nhất là khi bạn tuân thủ 3 bước sau:
1. Quyết định đàm phán - Hãy bắt đầu buổi phỏng vấn với tâm thế sẵn sàng đàm phán, sau khi đã tìm hiểu giá trị thị trường của công việc mà bạn đang hướng tới để có thể lấy đó làm luận cứ cho yêu cầu của mình.
2. Cân nhắc các quyền lợi khác - Hãy cân nhắc đưa các quyền lợi khác ngoài tiền bạc vào buổi đàm phán, đơn cử như giờ làm việc linh hoạt hoặc các quyền làm việc tại nhà...
3. Tư duy dài hạn - Vì là "người mang lại giá trị", nên bạn hoàn toàn có thể đưa ra chiến lược dài hạn; trong đó bạn đồng ý đánh giá lại mức lương của bản thân sau một khoảng thời gian nhất định, một khi các mục tiêu cụ thể được hoàn thành.