Vingroup âm thầm xây app Vinshop hỗ trợ cả trăm ngàn tiệm tạp hóa
Trên cửa hàng ứng dụng xuất hiện ứng dụng VinShop kết nối giữa chủ tạp hóa bán lẻ và các đơn vị cung cấp hàng hóa. Một số hình ảnh rò rỉ cho thấy khi các chủ tạp hóa hợp tác cùng VinShop thì sẽ được hỗ trợ về biển hiệu, bố trí cửa hàng. Ngoài ra trên biển hiệu của cửa hàng tạp hóa này ngoài VinShop có sự xuất hiện của cả VinID.
Hiện VinShop đã xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng Appstore, CH Play cũng như có địa chỉ website VinShop.vn
Được biết, VinShop là ứng dụng thuộc tập đoàn One Mount Group dành cho các chủ tiệm tạp hóa và đối tác. One Mount Group được thành lập tháng 9/2019 với vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, và Vingroup là một trong những cổ đông sáng lập khi góp hơn 51% vốn.
Gojek mua ví điện tử Wepay của VCCorp
Theo công bố mới nhất, người đại diện pháp luật của WePay đã được đổi thành ông Phùng Tuấn Đức và ông Pablo Malay, trong khi trước đó là ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp.
Theo thông tin mới được cập nhật của Cổng đăng ký thông tin doanh nghiệp quốc gia liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Dịch vụ thanh toán Wepay, Wepay hiện có trụ sở mới tại Cầu Giấy, Hà Nội và người đại diện theo pháp luật là ông Pablo Malay (Chủ tịch công ty, quốc tịch Úc) và ông Phùng Tuấn Đức.
Ông Phùng Tuấn Đức hiện đang giữ chức vụ Tổng giám đốc Gojek Việt Nam, trước đây là GoViet. Gojek sau khi được đổi tên vào đầu tháng 7 vừa qua đồng thời cho biết về kế hoạch phát triển “siêu ứng dụng” giải quyết các nhu cầu khác nhau ngoài 3 dịch vụ Gobike, GoFood, GoSend.
Thời điểm ngày 4/8/2020, Wepay có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, ông Phùng Tuấn Đức là đại diện góp vốn.
WePay đã xin được giấy phép hoạt động ví điện tử tại Việt Nam từ năm 2017. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán và hiện đã hợp tác với 4 nhà phát hành thẻ quốc tế, 24 ngân hàng bản địa và hơn 1.000 người bán hàng trên nền tảng của họ.
Alibaba chuẩn bị đầu tư 3 tỷ đô vào Grab
Alibaba đang đàm phán để đầu tư 3 tỷ USD vào Grab. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc sẽ chi một phần quỹ để mua lại một số cổ phần của Grab do Uber Technologies nắm giữ. Thỏa thuận này có thể là đại diện tiếp theo của Alibaba vào Đông Nam Á kể từ khoản đầu tư đầu tiên vào Lazada vào năm 2016.
Một kế hoạch cụ thể đang được thảo luận là tích hợp mạng lưới giao hàng của Grab vào Lazada, giúp công ty khởi nghiệp Singapore tiếp cận với mạng lưới người tiêu dùng rộng lớn hơn.
Khoản đầu tư 3 tỷ USD tiềm năng của Alibaba vào Grab ở Đông Nam Á, có thể thúc đẩy sự tăng trưởng người dùng của công ty thương mại điện tử Lazada, vốn đang thất thế trước Shopee do Tencent hậu thuẫn. Lazada có thể khai thác dữ liệu đặt xe và giao đồ ăn khá lớn của Grab.
Google sản xuất smartphone tại Việt Nam
Một bức ảnh chụp vỏ hộp chiếc smartphone Pixel 4a trên diễn đàn công nghệ hàng đầu cho biết thông tin được sản xuất tại Việt Nam. Đây là dòng điện thoại mới nhất của Google, cho ra mắt công chúng vào đầu tháng 8 năm nay sau nhiều lần trì hoãn vì ảnh hưởng của COVID-19. Phụ kiện của Pixel 4a được sản xuất tại Trung Quốc. Dây chuyền sản xuất tại Việt Nam sẽ là một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển điện thoại thông minh của Google, dự kiến cho ra từ 8 – 10 triệu chiếc mỗi năm.
Cũng theo Nikkei, Google đã chấp thuận để một nhà máy tại Vĩnh Phúc sản xuất smartphone cho hãng. Sản phẩm ban đầu là chiếc Pixel 4a và có thể mở rộng sang Pixel 5 vào tháng 10.