Thời gian qua, thị trường ngành bán lẻ - nơi có những thương hiệu và doanh nghiệp lớn nhỏ cùng nhau sở hữu các hoạt động kinh doanh, truyền thông sôi động. Hãy cùng NhanvienBanhang.vn điểm qua những bản tin nóng từ những sự kiện nóng hổi nhé!
Vinamilk ra mắt sữa tươi chưa tổ yến đầu tiên tại Việt Nam
Sản phẩm Sữa tươi tiệt trùng chứa Tổ Yến đầu tiên tại Việt Nam của Vinamilk với tổ yến tinh chế và nguồn sữa tươi thuần khiết cùng các loại vitamin cần thiết là món quà sức khỏe mà Vinamilk mong muốn dành tặng đến người tiêu dùng.
Với chiến lược đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm để mang đến lựa chọn về dinh dưỡng cao cấp cho người tiêu dùng, mới đây, Vinamilk đã chính thức ra mắt sản phẩm mới Sữa tươi tiệt trùng chứa Tổ Yến.
Ngay khi ra mắt, sản phẩm nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng. Ngoài lý do đây là sản phẩm sữa tươi tiệt trùng đầu tiên trên thị trường có chứa tổ yến, sản phẩm còn được đánh giá cao nhờ vào giá trị dinh dưỡng mang lại, đặc biệt là trong việc hỗ trợ tăng cường sức khỏe và đề kháng.
Grab, Momo đang lấn sân sang thị trường thương mại điện tử
Sân chơi thương mại điện tử tại Việt Nam sắp tới sẽ càng náo nhiệt hơn khi có sự tham gia của Grab và MoMo. Cả hai đang đặt những viên gạch đầu tiên vào mảng này, trong đó Grab đi sớm hơn và đang gia tăng lượng nhà bán hàng trên nền tảng của họ
Bằng việc tung ra GrabMart tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Grab đã đặt một chân vào thương mại điện tử. Tại Việt Nam, bên cạnh các mặt hàng tươi sống truyền thống, trên GrabMart đã có nhóm hàng gia dụng, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, đồ dùng trẻ em… Mặc dù hàng hoá chưa đa dạng nhưng nền tảng này đang mở rộng thêm các nhà cung cấp. Hiện Grab đang hợp tác với các siêu thị lớn như BigC, Co.op Food, Cheers, Lotte Mart, và nhiều cửa hàng nhỏ khác.
Trong khi đó, MoMo vừa có thêm tính năng “Đi chợ online”, kết hợp với các nhà cung cấp như Co.op Smile, Cheers để bán hàng. Tương tự GrabMart ở giai đoạn đầu tiên, số lượng nhà cung cấp trên MoMo hiện khá ít ỏi.
Tuy vậy, khác với các nền tảng thương mại điện tử khác, cả Grab và MoMo sẽ đi theo hướng riêng, xem shopping online như một phần của ứng dụng chứ không chú tâm hoàn toàn phát triển mảng này.
Highlands Coffee đầu tư hẳn ô tô lưu động đổ bộ đường phố Hà Nội
Mới đây, cộng đồng mạng và đặc biệt là những tín đồ của Highlands Coffee đã xôn xao về điểm bán take away mới của thương hiệu này.
Nếu như trước đó tại TP.HCM, Highlands Coffee đã cho thử nghiệm một số điểm bán take away nhưng chỉ là những kiosk nhỏ thì ở bãi đỗ xe ngay trước tòa nhà Handico (Phạm Hùng, Hà Nội) mới đây, một ô tô lưu động đã được sử dụng.
Phạm Hùng cũng là tuyến đường có lưu lượng xe di chuyển lớn của thành phố, nơi tập trung nhiều tòa nhà văn phòng và khu dân cư.
Theo quan sát của phóng viên vào sáng nay, khoảng 7 rưỡi, chiếc xe này mới rục rịch chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu để mở cửa. Đến hơn 8h, khách bắt đầu đông dần, nhiều người sẵn sàng đứng chờ dưới nắng để trải nghiệm điểm bán mới.
Huawei chuẩn bị cạnh tranh với Tesla trên thị thường ô tô điện
Với sự tăng trưởng và phát triển của Telsa, có rất nhiều công ty Trung Quốc muốn “sao chép” sự thành công này và đón đầu cuộc cách mạng một ngành công nghiệp đang nổi. Nhưng điều đáng bất ngờ là kẻ thách thức Tesla thực sự có thể là Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Sự tiềm năng của thị trường ô tô điện khiến Huawei không thể bỏ qua miếng bánh này.
Theo Nikkei Asian Review, việc Huawei chuyển sang nghiên cứu công nghệ liên quan đến ô tô bắt đầu từ năm 2013. Vào tháng 4 năm 2019, Huawei xuất hiện tại triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải, tuyên bố kế hoạch trở thành nhà cung cấp phụ tùng ô tô. Một tháng sau, Huawei chính thức thành lập đơn vị kinh doanh ô tô tập trung vào các giải pháp xe thông minh.
Mặc dù đại diện cho biết Huawei đang giữ bí mật về kế hoạch sản xuất ô tô, nhưng Huawei đã xây dựng năng lực để sản xuất hầu hết mọi thứ cần thiết cho ô tô thông minh. Các nguồn tin cho biết Huawei đã ráo riết tuyển dụng nhân tài từ các nhà cung cấp ô tô lớn như Bosch. Vào giữa tháng 8, Huawei đã lặng lẽ bổ sung mảng nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh phụ tùng ô tô và hệ thống lái xe thông minh vào giấy phép đăng ký kinh doanh của mình.
Phở 24 lay lắt, lỗ triền miên
Trái ngược với sự thành công của chuỗi cà phê dẫn đầu cả nước – Highlands Coffee, một thành viên khác của Việt Thái International là Phở 24 lại đang phải gánh lỗ qua từng năm. Bất chấp doanh thu tăng mạnh 48% trong năm 2019, đạt 120 tỷ đồng nhờ chiến dịch thiết kế lại và cải thiện dịch vụ từ 2018; chuỗi nhà hàng phở vẫn ghi nhận mức lỗ kỷ lục 33 tỷ đồng.
Trong những năm trước đó, Phở 24 duy trì doanh thu từ 70 – 80 tỷ đồng mỗi năm, lỗ ròng 20 – 30 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 53%, là mức khá cao trong lĩnh vực nhà hàng. Việc thua lỗ đã khiến công ty âm vốn chủ tới 178 tỷ đồng năm 2019.
Phở 24 được sáng lập bởi ông Lý Quí Trung, cửa hàng đầu tiên mở năm 2003 trên phố Nguyễn Thiệp, quận 1, TP HCM. Nhanh chóng mở rộng ra các tỉnh thành trên cả nước, cộng thêm hình thức nhượng quyền đã đưa Phở 24 trở thành chuỗi phở lớn nhất Việt Nam. Tuy vậy, những vẫn đề về tài chính, quản lý ở quy mô lớn và cạnh tranh của các đối thủ mới đẩy công ty vào tình cảnh khó khăn. Cuối năm 2011, ông Lý Quí Trung bán lại 100% cổ phần Phở 24 cho Việt Thái International với giá 20 triệu USD.
Hãy cùng NhanvienBanhang theo dõi Phần 1, Phần 2 và Phần 3 nhé!