Việc Việt Nam liên tiếp đàm phán thành công và đi đến ký kết các hiệp định thương mại tự do thời gian gần đây cho thấy nhiều cơ hội to lớn đang chờ đợi ở phía trước. Bán lẻ được dự đoán là ngành sẽ có những tác động quy mô và sâu sắc, theo phân tích của Colliers International Việt Nam.
Đáng chú ý đầu tiên phải kể đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các thành viên ASEAN và 5 nền kinh tế lớn bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). Lùi về giữa năm 2020, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu – IPA cũng đã được ký, bao gồm các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Liên minh châu Âu, Anh quốc và các quốc gia tham gia hiệp định RCEP (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia) đều là những thực thể kinh tế lớn. Sau khi Hiệp định RCEP được thực thi, một khu vực thương mại tự do lớn bậc nhất thế giới sẽ được hình thành với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, GDP vào tầm 26,2 nghìn tỷ USD (chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu).
Cũng sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, ít nhất 64% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Tỷ lệ xóa bỏ các dòng thuế quan sẽ dần tăng lên theo thời gian cho đến cuối lộ trình của Hiệp định này.
Với Hiệp định EVFTA, các chuyên gia tính toán rằng nó sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% (năm 2019 – 2023); 4,57 – 5,30% (năm 2024 – 2028) và 7,07 – 7,72% (năm 2029 – 2033). Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu chất lượng cao và giá cả hợp lý hơn từ các nước EU (1).
Về phía Anh quốc, nước này hiện có 400 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD đang hoạt động tại Việt Nam (số liệu tính đến tháng 8.2020). Một trong những điển hình là IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn hàng đầu tại Anh (2). Là một trong những nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, quy mô đầu tư của Anh vào Việt Nam được cho là chưa tương xứng với tiềm năng của giới đầu tư nước này. Dư địa để đón thêm nguồn vốn từ xứ sở sương mù còn lớn, đặc biệt khi mà thị trường hai quốc gia có mức độ tương hỗ rất tốt. Điển hình là Việt Nam có thể cung cấp các mặt hàng đặc trưng như da dày, dệt may hay nông sản nhiệt đới. Trong khi đó, thị trường Việt Nam sẽ là “bệ phóng” để doanh nghiệp Anh quốc chinh phục thị trường các nước xung quanh đang phát triển rất năng động.
Không thể không nhắc đến những lợi thế sẵn có của Việt Nam như chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nền kinh tế tăng trưởng tốt và đang hội nhập sâu rộng, nguồn nhân lực dồi dào cùng thị trường có sức mua lớn. Nhiều tổ chức kinh tế uy tín cũng liên tục đưa ra các báo cáo đầy lạc quan về kinh tế Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn, ví dụ như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tin rằng năm 2021, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất ở châu Á, ở mức 6,8%. Một ví dụ sinh động là tin tức về đà tăng trưởng kinh tế tiếp diễn là việc Foxconn, Luxshare, Pegatron (các hãng gia công lớn cho Apple) đều đang có các bước đi nhằm mở rộng đầu tư tại Việt Nam, được nhiều hãng tin lớn đăng tải (3).
Từ các phân tích trên có thể thấy, bên cạnh việc doanh nghiệp Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích, doanh nghiệp nhiều nước cũng dễ dàng tiếp cận thị trường gần 100 triệu người của Việt Nam hơn. Các ưu đãi về thuế, chính sách cộng với sức hấp dẫn tự thân của thị trường nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI.
Colliers International Việt Nam nhận xét rằng nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ có thêm ưu thế đáng kể để phát triển. Trong đó, bán lẻ được dự kiến sẽ là một trong những ngành nhận được trợ lực nhiều nhất.
Với đà tăng trưởng hiện tại, đơn vị nghiên cứu thị trường này tin rằng sẽ có nhiều trung tâm bán lẻ tiếp tục được phát triển, phân bố đa dạng hơn ở vùng ven các đô thị lớn hay các tỉnh. Sức mua gia tăng theo từng năm, số người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu cũng không ngừng lớn mạnh khiến phân khúc hàng cao cấp, xa xỉ vẫn tiếp tục phát triển sôi động.
Số liệu từ Colliers International Việt Nam cho thấy, riêng tại TP.HCM, nhiều hãng bán lẻ hàng cao cấp vẫn tiếp tục thuê các vị trí đất “vàng” và mở rộng hoạt động của mình như Uniqlo, Giordano, ACE hay Watson. Đó cũng là những biểu hiện của một thị trường giàu sức cạnh tranh hơn, đa dạng phân khúc hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn.
Theo một hãng nghiên cứu vừa công bố, sẽ có bốn xu hướng chính của ngành bán lẻ sau đại dịch: các công ty bán lẻ lớn nắm bắt cơ hội để tăng trưởng thị phần; thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang các mặt hàng thiết yếu mang lại thuận lợi cho các nhà bán lẻ hàng tạp hóa; COVID-19 thúc đẩy nền kinh tế trực tuyến và các nhà phát triển bất động sản thương mại tận hưởng dòng chảy của các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam. (4)
Colliers International Việt Nam đánh giá rằng, xét xu thế thứ tư đã nêu bên trên, việc các doanh nghiệp nội địa chịu sức ép lớn hơn từ doanh nghiệp ngoài cũng có mặt tích cực là tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Từ đó, một thị trường cạnh tranh công bằng hơn sẽ dần được tạo lập, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Như vậy, một năm mới phát triển sôi động đang chờ đón ngành bán lẻ và cả nền kinh tế Việt Nam ở phía trước. Trong trường hợp đại dịch COVID-19 được ngăn chặn triệt để, Colliers International Việt Nam tin rằng sự đột phá mạnh mẽ hơn của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ là điều không phải bàn cãi.