Chào tháng 12, NhanvienBanhang xin gửi đến bạn đọc bản tin nóng cập nhật tình hình thị trường bán lẻ Thế Giới và Việt Nam dịp cuối năm từ các thương hiệu đình đám.
Uniqlo sẽ đóng cửa hàng lớn nhất ở Hàn Quốc
Doanh số bán hàng giảm mạnh vì Covid-19 cũng như tranh chấp thương mại giữa Seoul và Tokyo khiến Uniqlo đóng cửa hàng lớn nhất tại Hàn.
Trên website của Uniqlo bằng tiếng Hàn, hãng này thông tin sẽ đóng cửa hàng chiến lược toàn cầu tại Myeongdong, khu mua sắm nổi tiếng của Seoul, vào ngày 31/1/2021. Đây là cửa hàng Uniqlo lớn thứ hai trên thế giới, sau cửa hàng tại New York.
Việc đóng cửa này diễn ra trong bối cảnh sức hút của mua sắm trực tuyến tăng lên vì Covid-19 và doanh số bán hàng của Uniqlo bị ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Doanh số bán hàng của Uniqlo tại Hàn Quốc giảm mạnh khi người tiêu dùng nước này tẩy chay các sản phẩm Nhật kể từ tháng 7/2019 để phản đối việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn. Các biện pháp hạn chế thương mại này được áp đặt sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 yêu cầu các công ty Nhật bồi thường cho các nạn nhân nước này bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Fast Retailing Co., công ty mẹ của Uniqlo đã lỗ 88,3 tỷ won (tương đương 81,3 triệu USD) trong giai đoạn từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020.
McDonald’s đã sống tốt nhờ việc ra mắt các sáng kiến kỹ thuật số
Theo John Gordon, chuyên gia tư vấn ngành nhà hàng của Mỹ, mô hình nhượng quyền của McDonald’s khiến Công ty khó di chuyển nhanh được và tính đồng nhất cũng rất quan trọng. Có thể thấy, McDonald’s thử nghiệm những ý tưởng mới ở thị trường nội địa trước, sau đó đề xuất áp dụng các ý tưởng này tại các nhà hàng nhượng quyền trên khắp thế giới. Vì là “chủ đất” của hầu hết các nhà hàng sử dụng thương hiệu này, McDonald’s có tiếng nói trong quyết định tân trang nhà hàng và nâng cấp công nghệ. Điều này không chỉ giúp thu hút khách hàng qua việc củng cố thương hiệu, mà còn giúp làm tăng giá trị của mảnh đất.
Trong những năm gần đây, McDonald’s và các đơn vị nhận nhượng quyền đã đầu tư rất lớn vào việc xây dựng các kiosk, theo đó khách hàng có thể gọi món bằng cách chạm màn hình, đồng thời thực hiện những cải tiến khác như dịch vụ drive-through 2 làn xe (mọi giao dịch từ gọi món, nhận hàng cho đến thanh toán đều được thực hiện ngay khi khách hàng vẫn ngồi trên xe). Năm ngoái, Công ty đã tiến hành thương vụ thâu tóm lớn nhất trong nhiều năm khi mua lại một công ty công nghệ cho phép cá nhân hoá trải nghiệm dịch vụ drive-through này.
Các cuộc đại tu đó có lẽ khiến các đơn vị nhượng quyền tốn kém một khoản không nhỏ, nhưng trong mùa dịch COVID-19, những cải tiến này đã cho ra quả ngọt. Đó là bởi vì McDonald’s đã khôn ngoan tận dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển mình. Nhờ đó, doanh số bán tăng mạnh trong những tháng gần đây, đặc biệt là tại Mỹ – nơi dịch bùng phát mạnh.
Trong khi nhiều cửa hàng phải đóng cửa, McDonald’s đã sống tốt nhờ việc ra mắt các sáng kiến kỹ thuật số, dịch vụ drive-through và giao hàng... tất cả đã tạo ra một trải nghiệm “không tiếp xúc” gây ấn tượng cho khách hàng, mà Công ty tin rằng sẽ phát triển ngay cả sau dịch.
Giới phân tích đánh giá cao ở việc McDonald’s là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, trong bối cảnh nhiều chuỗi cửa hàng đang lao đao trước sức ép cải tiến công nghệ thời đại dịch. Và thay vì co cụm trong suốt mùa dịch, McDonald’s đã áp dụng nhiều phương thức kinh doanh mới mẻ, sáng tạo. Đó là lý do Sara Senatore thuộc Sanford C. Bernstein nhận định, “Dù Chris Kempczinski lần đầu ra trận, nhưng cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo ở McDonald’s là cuộc chuyển giao suôn sẻ nhất và thành công nhất mà ngành từng chứng kiến trong nhiều năm”.
Công ty mẹ TOPSHOP phá sản
Hãng bán lẻ Anh Arcadia đang tìm cách bảo vệ 13.000 việc làm và các thương hiệu con khi doanh thu thời trang lao dốc trong đại dịch.
Arcadia - công ty mẹ của các thương hiệu như Topshop, Miss Selfridge và Dorothy Perkins - hôm 30/11 thông báo đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Hãng cho biết các cửa hàng sẽ vẫn tiếp tục hoạt động và chưa nhân viên nào bị sa thải. Đây là một trong những vụ phá sản ngành bán lẻ lớn nhất tại Anh từ đầu đại dịch.
"Đây là ngày cực kỳ buồn với tất cả đồng nghiệp, nhà cung cấp và các bên liên quan khác của chúng tôi. Covid-19 đã buộc nhiều cửa hàng của chúng tôi phải đóng cửa trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của tất cả các thương hiệu", Ian Grabiner - CEO of Arcadia cho biết trong một thông báo.
Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh Anh vật lộn với khủng hoảng thất nghiệp ngày càng trầm trọng và lún sâu trong cuộc suy thoái tệ nhất hơn 300 năm. Nhiều hãng bán lẻ thời trang lớn của nước này, như Marks & Spencer hay Selfridges, đã thông báo cắt giảm việc làm do đại dịch. Đại dịch khiến các cửa hàng phải đóng cửa suốt nhiều tháng và đẩy nhanh làn sóng mua online vốn đã khiến các cửa hàng thời trang cao cấp lao đao từ trước đó.
Arcadia đầu năm nay đã cắt giảm 500 việc làm ở trụ sở. Công ty này đã gặp khó từ trước khi đại dịch xuất hiện. Tháng 6/2019, họ thoát phá sản trong gang tấc khi đàm phán được việc trả nợ và tái cấu trúc công ty. Hãng đã đóng 50 cửa hàng tại Anh và Ireland, cùng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop, Topman ở Mỹ.
Arcadia được cho là đang tìm kiếm khoản hỗ trợ tương đương 30 triệu bảng. Tuy nhiên, tập đoàn bán lẻ Frasers Group (Anh) hôm 30/11 cho biết Arcadia đã từ chối "phao cứu sinh" trị giá tới 50 triệu bảng từ công ty này. "Frasers Group không nhận được lời giải thích nào cho việc này", thông báo của hãng cho biết.
Theo Chloe Collins - nhà phân tích thời trang kỳ cựu tại GlobalData, Arcadia "đã bị giảm hiện diện trong nhiều năm" khi đầu tư quá ít cho bán hàng trực tuyến và để mất thị phần vào tay các đối thủ online như Boohoo và Asos. "Cơ hội sáng nhất cho các thương hiệu của hãng này là tách ra", bà cho biết trên CNN. Boohoo, Next và Marks & Spencer có thể là những người mua tiềm năng.
Cuối tuần trước, Arcadia cho biết có kế hoạch mở lại các cửa hàng ở Anh và Ireland khi lệnh phong tỏa đã được nới lỏng. Công ty này hiện có 550 cơ sở tại Anh và châu Âu. Tại Mỹ, thương hiệu Topshop, Topman của hãng có gian hàng trong chuỗi trung tâm thương mại Nordstrom.
VinShop chính thức bắt tay Techcombank ra mắt dịch vụ hỗ trợ vốn cho chủ tạp hóa mùa Tết 2021
Ngày 23/11/2020, ứng dụng VinShop (thuộc One Mount Group - thành viên của Tập đoàn Vingroup) và ngân hàng Techcombank chính thức triển khai dịch vụ hỗ trợ vốn cho các chủ cửa hàng tạp hóa liên kết. Với mức hỗ trợ vốn lên đến 70 triệu đồng/giao dịch, dịch vụ Ứng vốn sẽ giúp các chủ tạp hóa đảm bảo tài chính để nhập và kinh doanh hàng hoá chất lượng cho cửa hàng, đặc biệt trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2021.
Các chủ tiệm tạp hóa có thể đăng ký chương trình ứng vốn ngay trên ứng dụng VinShop.
Ứng vốn là dịch vụ mới nhất của Vinshop phối hợp với Ngân hàng Techcombank được chính thức ra mắt nhằm hiện thực hóa cam kết "cung cấp công cụ hỗ trợ các chủ tạp hóa làm giàu và kinh doanh dễ dàng hơn". Đây là giải pháp tài chính hỗ trợ vốn cho các chủ tạp hóa nhập hàng ngay từ mùa Tết năm nay và sẽ liên tục được cải tiến để đảm bảo lợi ích và trải nghiệm vượt trội cho người dùng.
Dịch vụ ứng vốn trên ứng dụng VinShop được kỳ vọng sẽ giúp các chủ tạp hoá giải quyết câu chuyện về vốn nhập hàng trong thời điểm bán hàng mùa cao điểm, đặc biệt là khi Tết Tân Sửu 2021 đang đến gần.
'Ông lớn' bán lẻ Takashimaya muốn đầu tư bất động sản tại Việt Nam
Trước khó khăn của ngành bán lẻ do Covid-19, Takashimaya hy vọng bất động sản trở thành động lực tăng trưởng tiếp theo cho công ty.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 6 km, dự án khu đô thị Starlake đang được triển khai. Takashimaya đang đầu tư 1,3 tỷ yên (tương đương 12,5 triệu USD) vào một trường học liên cấp quốc tế tại đây cùng với Tập đoàn Giáo dục Edufit. "Ông lớn" bán lẻ Nhật Bản dự kiến rót 20 tỷ yen đầu tư ra nước ngoài trong 3-4 năm tới, phần lớn vào lĩnh vực bất động sản. Công trình tại Starlake đại diện cho dự án bất động sản nước ngoài đầu tiên mà công ty tham gia toàn bộ quá trình.
Takashimaya cũng sẽ phát triển khu phức hợp, gồm khu thương mại và văn phòng tại Starlake giai đoạn 2022-2025 cùng với 2 dự án thương mại quy mô lớn riêng biệt tại Hà Nội. Doanh nghiệp sẽ cải tạo một số toà nhà phức hợp mà họ đã mua tại TP HCM và Hà Nội vào năm ngoái.
Năm 2016, Takashimaya đã mở cửa trung tâm thương mại đầu tiên tại Hà Nội và có mối quan hệ với hàng loạt thương hiệu Nhật Bản. Công ty đã có kế hoạch tận dụng lợi thế này nhằm thu hút người thuê, tạo sự khác biệt với những toà nhà khác do các doanh nghiệp địa phương xây dựng, vận hành.
Mở rộng sang lĩnh vực bất động sản là ưu tiên hàng đầu của công ty khi các chuỗi các trung tâm thương mại đang đối mặt với thách thức từ đối thủ trên nền tảng trực tuyến và lượng du khách đến Nhật vốn đã giảm trước đại dịch.
Các trung tâm thương mại của Takashimaya tại Nhật chỉ chiếm chưa đến 20% tổng lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính 2019 dù tạo ra 80% doanh thu. Điều này trái ngược hẳn với mảng kinh doanh, phát triển bất động sản, tạo ra 40% lợi nhuận dù chỉ đóng góp khoảng 10% doanh thu. Hệ thống bán lẻ của Takashimaya ở Nhật và nước ngoài dự kiến phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa do Covid-19.
Tại Nhật, Takashimaya cũng đã "dấn thân" vào bất động sản. Tuy nhiên, thị trường ở nước ngoài được xem có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn. Trong số đó, Việt Nam được xem là quốc gia có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây với GDP hai năm liên tiếp (2018-2019) đều tăng trên 7%. Năm 2020, trong khi nhiều quốc gia còn vật lộn vì tác động của Covid-19, Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý III nhờ vào việc kiểm soát sớm được dịch bệnh.
"Còn rất nhiều dư địa để chúng tôi mở rộng danh mục đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam", ông Yoshio Murata, Chủ tịch Takashimaya nói.