Cập Nhật Tình Hình Thị Trường Bán Lẻ Tháng 2, 2021 (Phần 1)

Chào tháng 2, NhanvienBanhang xin gửi đến bạn đọc bản tin nóng cập nhật tình hình thị trường bán lẻ Thế Giới và Việt Nam những tháng đầu năm 2021 từ các thương hiệu đình đám.

Người sáng lập The Coffee House chính thức tạm biệt thương hiệu đình đám này

Nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh đã chính thức thông báo khép lại hành trình với The Coffee House sau hơn 6 năm thành lập.

Giữa tháng 7 năm 2019 rộ lên thông tin nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh rời ghế CEO The Coffee House. Vị trí này được nhường lại cho ông Mai Hoàng Phương, đồng sáng lập Seedcom. Thông tin cũng cho biết sau quá trình thay đổi này, Nguyễn Hải Ninh giữ chức vụ Phó Chủ Tịch tại The Coffee House, thiên về chiến lược, giảm thiểu can thiệp vận hành sau khi vị tân CEO phụ trách đảm đương.

Từ đó đến nay, Nguyễn Hải Ninh gần như rất ít xuất hiện cùng The Coffee House. Thay vào đó, anh chuyển sang đảm nhiệm cương vị mới trong chuỗi bia thủ công tại TPHCM do người Mỹ sáng lập ra.

Tuy nhiên trong một bài đăng mới nhất trên Facebook cá nhân ngày 8/2, Nguyễn Hải Ninh đã bất ngờ nói lời tạm biệt với The Coffee House sau 6 năm gắn bó.

Anh chia sẻ: "6 năm cho một hành trình, có buồn có vui có hoan ca có thất bại. Còn đó những ước mơ, những trăn trở lẫn kỳ vọng. Cảm ơn tất cả vì đã làm nên phần đẹp nhất của tuổi thanh xuân của mình. Tạm biệt The Coffee House - The House of Inspiration".

Phần sau chia sẻ trên là những dòng hồi ký dài về chuyện đi cà phê và mơ ước tạo nên một không gian riêng tư có thể truyền cảm hứng cho khách hàng tới tận hưởng.

 

Phúc Long trước tin đồn M&A

Một ngày đầu năm 2020, chuỗi đồ uống nổi tiếng Phúc Long bất ngờ bắt tay với Masan Group để khai trương một kiosk bán trà sữa ngay bên trong một siêu thị VinMart tại TP HCM. Đây là lần đầu tiên Phúc Long kết hợp với một thương hiệu bên ngoài để mở điểm bán mới.

Trước Phúc Long, một chuỗi đồ uống Việt khác là Cà phê Ông Bầu cũng có động thái tương tự khi "cộng sinh" với chuỗi nhà hàng bia Ba Gác để tăng lượng khách.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Phúc Long và Masan Group (Mã: MSN) trong thời điểm này lại có ý nghĩa hơn cả, khi thị trường F&B Việt đang có những đồn đoán về việc một ông lớn trong ngành bán lẻ đang có ý định thâu tóm chuỗi đồ uống này.

Liên quan đến vấn đề này, Phúc Long chưa đưa ra thông tin chính thức. Về phía Masan Group, đại diện tập đoàn từ chối bình luận trước thông tin trên. Song, phía Masan khẳng định: "Masan luôn muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt, gia tăng sức mạnh cho ngành bán lẻ nội địa."

Điều này cũng khá dễ hiểu bởi một khi thương vụ đang trong quá trình đàm phán, các bên sẽ không được phép công bố ra bên ngoài. 

Theo số liệu chúng tôi có được, Phúc Long đang trên đà tăng trưởng mạnh về doanh thu trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động theo ghi nhận của doanh nghiệp này vẫn đang ở mức thấp.

Tương tự các doanh nghiệp F&B trong ngành, với "chiếc áo" thị trường đang ngày một hẹp bởi sự góp mặt của nhiều người chơi mới, các chuỗi đồ uống như Phúc Long phải tận dụng mọi cơ hội để chiếm thị phần, từ "cắn răng" thuê mặt bằng đẹp tới chịu chi cho những chiến dịch quảng cáo truyền thông tốn kém. Điều này vô tình đã đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh doanh thu khủng nhưng lợi nhuận lại bèo bọt.

Cũng vì lý do này, tin đồn về một thương vụ M&A giữa Phúc Long và Masan càng có thêm cơ sở. Với giá trị mà Phúc Long hiện có, nếu về với Masan, cái lợi trước mắt dễ thấy nhất đó là hệ thống cửa hàng và tập khách hàng khổng lồ đến từ các chuỗi VinMart/VinMart+ của Masan. 

 

Nhà bán lẻ thời trang ASOS mua lại Topshop, Miss Selfridge

ASOS, hãng bán lẻ thời trang trực tuyến Anh gần đạt được thoả thuận mua lại Topshop và Miss Selfridge từ Arcadia Group với giá gần 411 triệu USD.

Reuters dẫn thông tin của Sky News cho biết, thương vụ có thể được ASOS thông báo sớm nhất trong hôm nay (1/2). ASOS và công ty quản lý Arcadia hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Sau khi Arcadia nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi cuối tháng 11/2020, các thương hiệu mà tập đoàn này sở hữu như Topshop, Miss Selfridge, Dorothy Perkins... đều lọt vào tầm ngắm của các nhà bán lẻ.

Cuối tuần trước, Bloomberg cho biết, Boohoo Group đang tiến hành đàm phán độc quyền với các nhà quản lý của Arcadia để mua lại 3 thương hiệu gồm Dorothy Perkins, Wallis và Burton. Trước đó, nhà bán lẻ thời trang Next Plc cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc chuyển nhượng các thương hiệu của Arcadia nhưng đã rút lui vì không đáp ứng được kỳ vọng về mức giá.

Vụ phá sản của Arcadia được xem là một trong những vụ phá sản ngành bán lẻ lớn nhất tại Anh từ đầu Covid-19. Hãng này cũng muốn tìm cách bảo vệ 13.000 việc làm và các thương hiệu con khi doanh thu thời trang lao dốc trong đại dịch. Tuy nhiên, thông tin gần đây cho thấy, các công ty thu mua, ví dụ như Boohoo, chỉ quan tâm đến các thương hiệu, chứ không phải cửa hàng, hàm nghĩa số lượng việc làm có thể mất nhiều hơn.

 

Amazon mua lại nền tảng thương mại điện tử Selz

Chi tiết thỏa thuận và các điều khoản không được tiết lộ, song theo giới truyền thông Mỹ, thương vụ này đã được thực hiện vào tháng trước và được Selz xác nhận trong một bài đăng trên blog.
Hoạt động của Selz có thể giúp Amazon đối phó với những thách thức từ đối thủ Shopify, có trụ sở tại Canada đang phát triển nhanh, cung cấp dịch vụ tương tự cho các nhà bán lẻ.
Martin Rushe, người sáng lập và giám đốc điều hành của Selz, cho biết công ty này đã ký một thỏa thuận nhượng lại cho Amazon và rất mong được hợp tác với Amazon để tiếp tục xây dựng các công cụ thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Trả lời hãng tin AFP, Amazon xác nhận việc mua lại Selz nhưng từ chối bình luận về bất kỳ kế hoạch nào trong tương lai cho nền tảng này.
Thỏa thuận giữa Selz và Amazon được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan thực thi chống độc quyền trên toàn thế giới vì vai trò ngày càng tăng của tập đoàn này trong mua sắm trực tuyến.
Amazon cho biết, họ không đóng vai trò chi phối trong tổng doanh số bán lẻ mặc dù chiếm thị phần lớn trong bán hàng trực tuyến ở Mỹ và các thị trường khác.

 

Các ông lớn dồn vốn kinh doanh chuỗi bán lẻ laptop

Công bố kế hoạch mở 68 trung tâm laptop trong quý I/2021, FPT Shop đang nỗ lực củng cố và duy trì vị trí dẫn đầu mảng kinh doanh ngành hàng laptop trên thị trường, đặc biệt là vị trí tiên phong về sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp và laptop gaming.

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Ngành hàng Viễn thông Di động của FPT Shop cho biết, mảng laptop sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch kinh doanh 2021 của doanh nghiệp này. Đặc biệt, hành trình mở bán 68 trung tâm laptop hiện đại trong một khoảng thời gian ngắn nhằm đón thời cơ tăng trưởng mạnh của thị trường năm 2021 và những năm tiếp theo, đưa laptop trở thành điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của FPT Shop.

Quân bài hút khách của nhà bán lẻ này nằm ở các yếu tố: sản phẩm đa dạng, với vai trò là đối tác lớn của tất cả các hãng máy tính, FPT Shop sẽ luôn luôn xây dựng giá bán, chương trình ưu đãi cùng dịch vụ hậu mãi vượt trội, tư vấn chuyên nghiệp, hỗ trợ khách hàng nhanh, Trung tâm laptop FPT Shop có đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp sẵn sàng hỗ trợ khách hàng ngay tại cửa hàng và Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật online hỗ trợ thông qua phần mềm chuyên dụng, kết hợp với chính sách mua hàng trả góp… để tạo và củng cố vị thế dẫn dắt thị trường.

Ông Kha lý giải, để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng và không để khách hàng ra về tay không: “FPT Shop có nhiều sản phẩm trải dài ở các phân khúc khác nhau, từ 6 triệu đồng đến 60 triệu đồng, thuộc những dòng sản phẩm được yêu thích như laptop gaming, laptop đồ họa - kỹ thuật, laptop mỏng nhẹ dành cho doanh nhân, laptop dành cho học sinh - sinh viên…

Còn DGW cũng đặt mục tiêu kinh doanh lớn vào mảng laptop trong năm 2021, khi DGW dự kiến kế hoạch doanh thu 15.200 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng doanh thu mảng máy tính xách tay và máy tính bảng 5.000 tỷ đồng (tăng 650 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020), chỉ đứng sau ngành hàng điện thoại di động.

Với MWG, doanh nghiệp này cũng định vị laptop là nhóm sản phẩm có quy mô lớn nhất, chiếm 60% doanh số ngành hàng IT có dung lượng thị trường hàng năm khoảng 1 tỷ USD, do đó, việc đầu tư lớn để mở trung tâm laptop không nằm ngoài đích đến là có được thị phần vượt mốc 20% như hiện nay.

Như vậy, việc mở thêm trung tâm laptop với MWG có thể hiểu sẽ chưa dừng lại và cục diện thị trường laptop trong năm tới sẽ là cuộc chạy đua tăng doanh số, giành miếng bánh thị trường từ các nhà bán lẻ công nghệ.

Các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thị trường như Thế giới Di động (MWG), FPT Retail (FRT), Digiworld (DGW) đều công bố mức tăng trưởng ấn tượng về doanh số ngành hàng laptop trong năm 2020 và đưa ra dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2021 của ngành hàng laptop sẽ đạt mức 2 con số.

 

Nguồn: NhanvienBanhang tổng hợp

 

Các tin khác

  1. 3 Bài Học Mà Mọi Nhà Lãnh Đạo Nên Rút Ra Từ Năm 2020
  2. Các Nhà Lãnh Đạo Giỏi Đều Hiểu 6 Sai Lầm Kinh Điển Này, Nhưng Vẫn Tiếp Tục Sai
  3. Các Nhà Lãnh Đạo Mong Đợi Điều Gì Và Cách Chuẩn Bị Tốt Nhất Cho Năm 2021
  4. Tuyển Dụng Vào Năm 2021? Đây Là Chiến Lược Cần Xem Xét
  5. Bán Lẻ Việt Nam 2021 Và Trợ Lực Từ Các Hiệp Định Thương Mại Tự Do
  6. Những Lý Do Cho Thấy Năm 2021 Có Thể Là Năm Tốt Để Khởi Nghiệp
  7. Làm Thế Nào Để Lãnh Đạo Tốt Vào Năm 2021: 5 Yếu Tố Để Thành Công
  8. 5 Số Liệu Thống Kê Mà Mọi Nhà Lãnh Đạo Cần Phải Biết Và Hiểu Chúng
  9. Cập Nhật Tình Hình Thị Trường Bán Lẻ Tháng 1, 2021 (Phần 2)
  10. Tại Sao Bán Lẻ Thời Trang Sẽ Phục Hồi Chậm